19 Tháng Ba 2024
Tuyên truyền, cổ động chính trị

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Chuyên mục: Tuyên truyền, cổ động chính trị | Người đăng: SuperUser Account | Ngày đăng: 05/01/2021 | Số lần xem: 2351

I. TỪ QUỐC DÂN ĐẠI HỘI TÂN TRÀO ĐẾN CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN

1. Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc hội Việt Nam

Tư tưởng xây dựng một nhà nước kiểu mới mà ở đó nhân dân là người chủ của đất nước đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc  - Hồ Chí Minh nhận định trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927): Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc.

Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 10/1944, trước chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do. Vì vậy, giữa tháng 8/1945, khi chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước Đồng minh không điều kiện và lực lượng cách mạng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 -15/8/1945 để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về Nhân dân. Đại hội đại biểu quốc dân đã thông qua ba quyết định lớn:

Thứ nhất, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh;

Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập;

Thứ ba, thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Đại hội đã quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí sôi nổi của Tổng khởi nghĩa; thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”[1].

Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng”[2].

2. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và những quyết định đi đến ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945), Huế (ngày 23/8/1945), Sài Gòn (ngày 25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.

Ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam “một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hoà chính thức”.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 03/9/1945, Chính phủ lâm thời tổ chức phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và ghi rõ: Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên; tiếp theo đó, ban hành Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 02/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử. Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài; trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị và các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận động tranh cử. Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 06/01/1946.

Việc tổ chức Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do Uỷ ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”[3].

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 06/01/1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

3. Một số kết quả của cuộc Tổng tuyển cử

Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên  cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng cuộc Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp.

Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

4. Ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh cách mạng Việt Nam có nhiều khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và cuộc Tổng tuyển cử thành công là một quyết định sáng suốt, kịp thời, nhạy bén chính trị và khoa học, thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “...kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[4].

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

1. Thời kỳ 1946 - 1960

Thời kỳ này, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong năm 1946, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

Kỳ họp thứ nhất, khai mạc vào ngày 02/3/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Quốc hội đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kỳ họp diễn ra trong vòng 04 tiếng đồng hồ, nhưng Quốc hội đã nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ khai mạc và báo cáo những công việc đã làm trong thời gian trước đó; biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 người, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và quyết định khi Chính phủ muốn tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội. Đồng thời, tại kỳ họp thứ nhất, để tập hợp các lực lượng đại diện các đảng phái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được toàn thể Quốc hội chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử. Như vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa I nâng lên thành 403 đại biểu.

Kỳ họp thứ hai, tổ chức từ ngày 28/10 đến 09/11/1946, vai trò của Quốc hội được thể hiện rõ nét hơn qua việc thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng về đối nội và đối ngoại. Cụ thể là các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ, việc ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, cuộc đàm phán Fontainebleau đi đến Bản Thỏa hiệp tạm thời ngày 14/9/1946.Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946 với 240/242 đại biểu biểu quyết tán thành. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên phản ánh bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng, việc chuẩn bị kháng chiến rất khẩn trương; bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp 1946 chưa thể tổ chức được. Quốc hội lập hiến do toàn dân bầu ra ngày 06/01/1946 trở thành Quốc hội lập pháp và kéo dài nhiệm kỳ hoạt động (khóa I) đến năm 1960.

Giai đoạn 1946-1954, Quốc hội đã cùng với Nhân dân thực hiện sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... Để sự lãnh đạo và điều hành đất nước được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền hạn tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Đây là nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này - Quốc hội kháng chiến.

Giai đoạn từ 1954-1960, theo Hiệp định Genevơ, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Bắc - Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã cùng với Nhân dân tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng, như: miền Bắc sau khi giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.

Quốc hội khóa I diễn ra 14 năm, tổ chức 12 kỳ họp và xem xét, thông qua bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như: Luật Cải cách ruộng đất, Luật quy định quyền tự do hội họp, Luật quy định quyền lập hội, Luật về chế độ báo chí... Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu của nhân dân” tại kỳ họp thứ 12.

2. Thời kỳ 1960 - 1980

Thời kỳ này, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Hiến pháp 1959 quy định rõ ràng và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội, như: Quốc hội có 17 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm pháp luật; giám sát việc thi hành Hiến pháp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; theo đề nghị của Chủ tịch nước quyết định cử Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ quyết định cử Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao...

Cơ cấu tổ chức của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp 1959 bao gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự án pháp luật, Ủy ban kế hoạch và ngân sách và những ủy ban khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội do Quốc hội bầu ra, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực thi 18 nhiệm vụ, quyền hạn, như: Tuyên bố và chủ trì việc tổng tuyển cử đại biểu Quốc hội; triệu tập Quốc hội; giải thích pháp luật; quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân..Thời kỳ này, Quốc hội đã có 05 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa II (1960 - 1964): tổ chức bầu ngày 08/5/1960; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên nhà nước và nhân dân đi vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối chiến lược do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra. Nhiệm kỳ Quốc hội là 4 năm, có 8 kỳ họp và thông qua 6 đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 pháp lệnh. Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), thông qua Cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hằng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan nhà nước; bổ nhiệm cán bộ cấp cao của Nhà nước; phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư khiếu tố của Nhân dân, ân xá những phạm nhân cải tạo tốt.

- Quốc hội khóa III (1964 - 1971): tổ chức bầu ngày 26/4/1964; tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Nhiệm kỳ khóa III của Quốc hội hoạt động trong thời kỳ chiến tranh, nên kéo dài trong 7 năm, với 7 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Lúc này, mọi yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, kinh tế, chính trị... đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm một số quyền hạn trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện thuận tiện để họp. Theo đó, những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác lớn về chống Mỹ, cứu nước, về chính sách kinh tế thời chiến, về đối ngoại đều được Chính phủ kịp thời báo cáo với Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn nhanh chóng, là điều kiện quan trọng bảo đảm kịp thời những yêu cầu của chiến tranh.

- Quốc hội khóa IV (1971 - 1975): tổ chức bầu ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu. Quốc hội khóa IV diễn ra trong 4 năm, họp 5 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đàm phán và ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.

- Quốc hội khóa V (1975 - 1976): tổ chức bầu ngày 06/4/1975; tổng số có 424 đại biểu. Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa mới giải phóng (30/4/1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm, Quốc hội họp 2 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên  đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Theo đó, trên cơ sở nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27/10/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đặc biệt để thảo luận, thông qua đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị hiệp thương, các đại biểu của đoàn miền Bắc và đại biểu của đoàn miền Nam đã khẳng định “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”. Tại kỳ họp thứ hai (tháng 12/1975), Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.

- Quốc hội khóa VI (1976 - 1981): tổ chức bầu ngày 25/4/1976, là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định đưa cách mạng Việt Nam chính thức bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội khóa VI diễn ra trong 5 năm, họp 7 kỳ và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp thứ 7 (tháng 12/1980), Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.

3. Thời kỳ 1980 - 1992

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981. Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội được cụ thể hóa thành 15 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có những nội dung rất quan trọng, như: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; quyết định kế hoạch nhà nước và phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước... Ngoài ra, Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết.

Hiến pháp 1980, đã có sự điều chỉnh lớn về cơ cấu tổ chức của Quốc hội. Đó là, việc thiết lập Hội đồng Nhà nước thay cho chế định Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lần đầu tiên Hiến pháp quy định chức danh Chủ tịch Quốc hội. Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội có nhiệm vụ chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; bảo đảm việc thi hành nội quy của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội; điều hòa và phối hợp hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội; chứng thực những luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội có quyền tham dự các phiên họp của Hội đồng Nhà nước.Thời kỳ này, Quốc hội trải qua 02 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa VII (1981 - 1987): tổ chức bầu vào ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VII với 12 kỳ họp và ban hành 10 đạo luật, 35 nghị quyết (trong đó có Bộ luật Hình sự đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 27/6/1985); Hội đồng Nhà nước ban hành 15 pháp lệnh Quốc hội đã triển khai thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương; thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; quyết định các vấn đề cử và miễn nhiệm một số thành viên Hội đồng Bộ trưởng... Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng, tập trung vào các vấn đề quản lý kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp đã có bước cải tiến, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn vào việc đánh giá những sai lầm, khuyết điểm về việc thực hiện chính sách giá - lương - tiền, đồng thời đề ra những biện pháp khắc phục. Thời kỳ này, hoạt động ngoại giao nghị viện cũng được đẩy mạnh, chú trọng nguyên tắc nhất quán, ủng hộ những sáng kiến hòa bình, bảo đảm an ninh chung của nhân loại.

- Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992): tổ chức bầu ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu. Quốc hội khóa VIII,  là Quốc hội của giai đoạn đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra. Nhiệm kỳ này, Quốc hội họp 11 kỳ và thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật; Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/1989), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1980 một cách cơ bản và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 (năm 1992). Kế thừa và phát triển các bản Hiến pháp trước đây, ngoài việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới. Quốc hội đã quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế - xã hội và thi hành pháp luật, nhằm nâng cao vai trò và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

4. Thời kỳ 1992 đến nay

Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa trước và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Thời kỳ này, Quốc hội có 6 khóa hoạt động:

- Quốc hội khóa IX (1992 - 1997): tổ chức bầu ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu. Quốc hội khóa IX hoạt động theo quy định của Hiến pháp 1992, trong đó có vai trò quan trọng về việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1996-2000). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quốc hội khóa IX tiến hành 11 kỳ họp và ban hành 36 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 43 pháp lệnh. Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Công tác giám sát của Quốc hội đã có những đổi mới, như: tiến hành nghe các báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Quốc hội đã chú trọng đến công tác dân nguyện, tiếp dân và giải quyết các đơn thư của Nhân dân; tổ chức nhiều đoàn công tác của Quốc hội về địa phương để đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.   

- Quốc hội khóa X (1997 - 2002): tổ chức bầu ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu. Quốc hội khóa X tiến hành 11 kỳ họp và ban hành 01 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 39 pháp lệnh. Nổi bật của kỳ họp thứ 10,  Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X cũng được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn, với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương.

- Quốc hội khóa XI (2002 - 2007): tổ chức bầu ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Có 120 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và 64 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Hoạt động giám sát có bước đổi mới, nội dung giám sát đã tập trung vào các vấn đề bức xúc được dư luận phản ánh và nhân dân quan tâm, như: Đầu tư dàn trải, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai thực hiện một số công trình quan trọng quốc gia (như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng); về giáo dục, y tế; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn, từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới...

- Quốc hội khóa XII (2007 - 2011): tổ chức bầu ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu. So với nhiệm kỳ trước, số lượng các ủy ban của Quốc hội khóa XII tăng lên thành 9 ủy ban với việc Quốc hội thành lập mới Ủy ban Tư pháp, tách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tăng cường với 145 đại biểu, chiếm 29,41% tổng số đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Trong nhiệm kỳ 4 năm, Quốc hội khóa XII đã ban hành 68 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Các văn bản pháp luật đã ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri; chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

- Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016): tổ chức bầu ngày 22/5/2011, đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày với quy mô lớn. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp với 99,51% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành tựu lớn nhất của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013 (kỳ họp thứ 6). Hiến pháp 2013 là  thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nhiệm kỳ này, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Đặc biệt, sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Quốc hội đã tập trung xem xét, thông qua hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về lĩnh vực tư pháp, về lĩnh vực xã hội trên cơ sở bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện nỗ lực to lớn, trách nhiệm trước Nhân dân của Quốc hội, như: số lượng văn bản luật, pháp lệnh được thông qua trong nhiệm kỳ tăng nhiều so với các khóa trước... thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Quốc hội khóa XIII, đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn cũng có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng rõ vấn đề, rõ địa chỉ. Việc “tái” giám sát được tiến hành thường xuyên, trước hết là xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, kỳ họp sau phải báo cáo kết quả thực hiện những điều đã hứa, các giải pháp đã đưa ra trong lần chất vấn trước. Quốc hội khóa XIII cũng ghi dấu ấn với việc lần đầu tiên tất cả các thành viên Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đến các bộ trưởng, trưởng ngành đều đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Các vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội thảo luận dân chủ, bám sát thực tiễn, phân tích thấu đáo bảo đảm lợi ích chung, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân trước khi quyết định. Trong đó có nhiều quy định đã góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của cuộc sống, như: quản lý quy hoạch; đầu tư xây dựng; đấu tranh phòng, chống tội phạm; hỗ trợ ngân sách đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thực hiện có kết quả đường lối đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3/2015 là một sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta và không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội được tăng cường. Việc tăng thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội tại Hội trường, các phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động báo cáo giải trình của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tạo điều kiện đưa hoạt động của Quốc hội đến gần hơn với người dân. Cùng với việc đổi mới tổ chức và hoạt động, các điều kiện bảo đảm hoạt động của Quốc hội cũng được tăng cường đáng kể. Nhà Quốc hội mới được hoàn thành và đưa vào vận hành, trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng được tổ chức lại theo hướng đổi mới mô hình tổ chức bộ máy giúp việc có tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hợp lý để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

- Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021): tổ chức bầu ngày 22/5/2016 với 99,35% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 494 đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt tỷ lệ 34,91%, cao nhất so với các nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước. Quốc hội khóa XIV đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động giám sát ngày càng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Nội dung giám sát mang tính thiết thực, bao trùm hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Bên cạnh đó, điểm mới trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã trực tiếp thành lập các đoàn giám sát chuyên đề thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và triển khai thực hiện như trước đây.Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục được nâng cao chất lượng và ngày càng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như: điều chỉnh quy định sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp tích cực vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, như: đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Nghị viện Châu Á -Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) vào năm 2018, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực, đối tác tin cậy và trách nhiệm của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, nhiệm kỳ này đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên sử dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị thông minh được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh, như: cung cấp các tài liệu kỳ họp, tìm kiếm nhanh các tài liệu bằng giọng nói đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” cũng là một điểm nhấn quan trọng của nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Điển hình nhất là tại kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

III. QUỐC HỘI TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

- Quốc hội luôn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

- Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng Việt Nam  Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học quý cho việc củng cố, nâng cao Quốc hội khóa sau. Việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cần được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn và mang lại hiệu quả thiết thực.

- Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng vào các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và trong hoạt động đối ngoại. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng một cơ cấu tổ chức thống nhất của Quốc hội và là tiền đề để bảo đảm cho Quốc hội phát huy được vai trò của mình, thực hiện tốt các mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

- Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Sự đồng thuận, trách nhiệm của tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; sự phối hợp có hiệu quả của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan và sự đóng góp tích cực của cử tri và nhân dân cả nước là yếu tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao...

- Việc gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt đầy đủ, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của Nhân dân, trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Quốc hội, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và củng cố niềm tin của cử tri, của Nhân dân đối với Quốc hội.

- Phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội là yêu cầu quan trọng tạo thêm sức mạnh và sự năng động, sáng tạo từ hệ thống chính trị của nước ta. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, khai thác tốt tiềm năng sáng tạo và tính chủ động của từng cơ quan của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội. Thực tế hoạt động của Quốc hội cho thấy có những vấn đề được quyết định không dễ dàng mà phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, qua đó đã làm cho các quyết định có tính chính xác cao hơn, tạo sự đồng thuận tốt hơn, giúp công tác chỉ đạo điều hành thuận lợi và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với ý nguyện của Nhân dân.

Để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới; Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, tiến hành thực hiện năm nguyên tắc và năm nhiệm vụ sau:

1. Nguyên tắc

Một là, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực sự là Quốc hội của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hai là, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội.

Ba là, tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Bốn là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

2. Nhiệm vụ

Một là, Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập pháp; tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng các dự án luật. Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án luật ngay từ những công đoạn đầu, coi trọng xác định nội dung chính sách luật trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình lập pháp.

Hai là, Nâng cao hiệu quả giám sát, đổi mới mạnh mẽ phương thức tiến hành, khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, thiếu chiều sâu; tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Thông qua giám sát để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động và xác định đúng trách nhiệm nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước...

Ba là, Nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội, từ đó kiện toàn và tăng cường tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đề cao vị trí, vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, chuyển hình thức làm việc của Quốc hội từ tham luận sang tranh luận. Hoạt động của Quốc hội chủ yếu thông qua hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và quyết định tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Bốn là, Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội, coi đây là việc làm có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế lựa chọn, giới thiệu và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội; tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri; tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy mạnh mẽ vai trò của đại biểu Quốc hội ở cả Trung ương và địa phương. Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan tham mưu giúp việc, tạo thêm các điều kiện và phương tiện làm việc, nhằm hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Năm là, Tiếp tục chủ động và tích cực triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đối ngoại nghị viện trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 75 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của Nhân dân, Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG  –  VĂN PHÒNG QUỐC HỘI


[1] HCM, Biên niên, Tiểu sử, T2, Tr 263, NXBCTQG, HN-1993

[2] HCM, Toàn tập, T3, Tr553

[3] HCM, Toàn tập, T4, Tr145

[4] HCM, Toàn tập, T4, Tr103

In Đánh dấu và chia sẻ