29 Tháng Ba 2024
Bản đồ du lịch

Những điểm đến hấp dẫn của Quận 10
Các địa điểm tham quan

Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn

Chuyên mục: Địa điểm tham quan | Người đăng: SuperUser Account | Ngày đăng: 19/11/2020 | Số lần xem: 8824

Cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn là một căn hầm bí mật mang mật danh “Hầm B” và đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 1952, được đánh giá là căn hầm thiết kế khéo léo nhất trong nội thành sài gòn thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn đào dưới nền căn nhà ở địa chỉ nói trên; nguyên thủy là một căn nhà gỗ, ván vách, diện tích 62m2 (6,2m x 10m); Nhà được ngăn đôi: một bên để ở và đào hầm bí mật để in ấn tài liệu của Hội ủng hộ vệ quốc đoàn; một bên là cơ sở làm đàn để ngụy trang; toàn bộ khuôn viên được rào bởi hàng rào tre. Hai hầm bí mật: hầm chính chiều dài 3,5m, rộng 3,2m, cao 1,7m, nóc dày 1,7m, có đà chịu lực, tường và nền trát xi măng chống thấm. Cách hầm 2m là giếng nước và dưới miệng giêng 0,5m có lỗ thông hơi, đường kính 10cm để lấy không khí vào hầm; hầm phụ dài 3,4m, ngang 0,6m, cao 0,8m, nóc dày 1,8m, được đào ngược lên phía trên hầm chính để ngụy trang. Cửa hầm phụ đi lên mặt đất kích thước 0,4m x 0,4m, bằng diện tích bốn viên gạch được đính chặt trên mảnh gỗ và cũng được che kín dưới tủ đựng quần áo. Hầm phụ nối với hầm chính bằng địa đạo dài khoảng 1,2m, đường kính 0,45m. Cửa địa đạo nối với hầm phụ được thiết kế khá tinh vi, nắp cửa có bản lề đóng, mở, mặt trước trét xi măng liền với vách, kích thước 0,35m, rộng 0,4m vừa một người chui lọt. Trên nắp địa đạo ở hầm phụ đặt kệ sách để ngụy trang.

Trong hầm chính đặt máy in ronéo Gestestner, máy đánh chữ, giấy, mực in, radio, bàn ghế, đèn điện và hệ thống báo động qua đèn chớp tắt. Hầm phụ đặt bàn đánh máy và một số ít sách báo, tài liệu.

Từ hầm bí mật này, những hội viên nòng cốt của hội thay phiên nhau theo dõi tin tức từ các đài phát thanh “Tiếng nói Việt Nam”, “Tiếng nói Nam bộ kháng chiến”, biên tập lại và in ronéo thành truyền đơn phát hành đi các nơi để thông báo tin tức từ trung ương và cả nước đến với đồng bào, chiến sĩ Vệ quốc đoàn, hoặc được sao chép thành tài liệu học tập nội bộ …Ngoài ra tài liệu từ chiến khu An Phú Đông được amng về in và giao cho chị Nguyệt, chị Nhân (hội viên Hội vệ quốc đoàn) bí mật đêm đến hang trăm cơ sở trong thành phố. Có khi tài liệu được in thành truyền đơn để các chị đưa đi rải ở các chợ, tuyên truyền phát động phong trào đấu tranh trong nhân dân , uy hiếp tinh thần của lính Pháp và tay sai.

Đặc biệt, tháng 11 năm 1954, tại căn hầm bí mật này, nhiều ngày đêm liền, Ban ấn loát của Hội đã in các chỉ thị, Nghị quyết của Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, phát hành đến các cơ sở nhằm kêu gọi quần chúng đấu tranh đòi đối phương phải thi hành Hiệp định Genève, đặc biệt là đòi Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngoài ra căn hầm bí mật này còn là nơi lưu trữ thuốc men, hóa chất làm vũ khí … để giao liên đưa ra chiến khu.

Tháng 9 năm 1954, cơ sở in ấn này được chuyển vào chiến khu An Phú đông, đến cuối năm 1957, hầm bí mật ngừng hoạt động vì một cơ sở của Hội bị địch phát hiện. Nhiều đồng chí bị địch bắt, bị tra tấn dã man và một số bị đày ra Côn đảo. Sau năm 1975, hầm bí mật được trùng tu hầu như cũ: hầm chính, hầm phụ và địa đạo để đón khách tham quan.

Cơ sở in ấn của Hội Vệ quốc đoàn được Bộ văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 1288/QĐ-VH, ngày 16/11/1988.

  • Hầm bí mật B được đào vào ngày 3/2/1952.
  • Hoàn tất ngày 19/5/1952.
  • Trước tháng 8/1954 là văn phòng Hội ủng hộ vệ quốc đoàn, Trung đoàn 306 - Phạm Hồng Thái.
  • Sau tháng 8/1954 Ban ấn loát phát hành của tuyên huấn thành ủy Sài gòn - Chợ lớn.

Đây là cơ sở hoạt động cách mạng đấu tranh của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, in ấn truyền đơn, hội họp. Đến nay là điểm tham quan giáo dục truyền thống của Quận trong các tầng lớp nhân dân.

In Đánh dấu và chia sẻ

Chuyên mục

Liên kết