Đề án Xây dựng Quận 10 trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2020 – 2025

Chuyên mục: Chương trình, đề án | Người đăng: SuperUser Account | Ngày đăng: 24/12/2020 | Số lần xem: 5816

I. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀ ÁN

Đề án là tài liệu định hướng tổng quan cho việc triển khai xây dựng đô thị thông minh tại Quận 10 giai đoạn 2020 – 2025, trên cơ sở các nội dung chính sau:

- Đề xuất mục tiêu tổng quát và nguyên tắc định hướng xây dựng Quận 10 trở thành đô thị thông minh.

- Đề xuất các nhiệm vụ chính thực thiện xây dựng Quận 10 trở thành đô thị thông minh.

- Đề xuất các giải pháp, lộ trình thực hiện Đề án.

II. MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG QUẬN 10 TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH

1. Mục tiêu của đề án

Xây dựng chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 trên phạm vi quận 10, đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Xây dựng cơ sở hạ tầng cho đô thị thông minh với trung tâm điều hành, nền tảng tích hợp đảm bảo kết nối được với các thành phần của đô thị thông minh; tạo ra công cụ để cung cấp thông tin trực quan về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo ra quyết định; ứng dụng công nghệ thông tin để cho phép người lãnh đạo có thể nắm bắt thông tin hiện trường, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị.

Xây dựng một số các ứng dụng thông minh trọng điểm (lĩnh vực an ninh trật tự, giao thông công cộng, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, du lịch…) trên địa bàn quận 10 để hướng đến phục vụ người dân tốt hơn, quản lý điều hành đô thị thông minh.

Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Thông qua các kênh kết nối phù hợp và thông qua việc cung cấp dữ liệu mở rộng rãi, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, thực hiện vai trò giám sát của mình để cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước về các vấn đề như xây dựng, an toàn thực phẩm, y tế, môi trường… Đối thoại với chính quyền và tham gia trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ.

Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho đô thị thông minh.

2. Nguyên tắc định hướng

2.1. Lấy người dân làm trung tâm: Việc xây dựng đô thị thông minh phải được xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, mọi người dân được hưởng lợi từ việc xây dựng đô thị thông minh.

- Đảm bảo hầu hết người dân có nhận thức đầy đủ về các lợi ích cụ thể của đô thị thông minh.

- Đảm bảo người dân, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên liên quan được khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng và phát triển các kế hoạch, đề án, dự án liên quan đô thị thông minh.

- Đào tạo, hướng dẫn mọi người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ của đô thị thông minh.

- Người dân được tích cực tham gia trong quá trình giám sát quản lý và xây dựng đô thị thông minh

2.2. Chia sẻ và tái sử dụng các nguồn lực: Tuân thủ các tiêu chuẩn mở và kiến trúc hướng dịch vụ để đảm bảo tính đồng vận hành, tránh đầu tư trùng lắp. Đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở (open data): Bao gồm những dữ liệu có thể hiểu được, sử dụng và khai thác được bởi các bên tham gia xây dựng đô thị thông minh. Dữ liệu mở do chính quyền địa phương sở hữu và có quyền chia sẻ cho các bên liên quan. Các ứng dụng, thành phần hệ thống nên được sử dụng lại nếu có thể, chỉ sử dụng giải pháp mua sắm hàng hóa nếu cần thiết và chỉ được xây dựng mới nếu có yêu cầu không thể thực hiện được.

2.3. Về mặt công nghệ: Đảm bảo tính trung lập về công nghệ; chú trọng áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với đô thị thông minh như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... và có khả năng tương thích với nhiều nền tảng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân. Việc triển khai xây dựng các ứng dụng chính quyền điện tử phải sử dụng các danh mục điện tử dùng chung, kết nối, liên thông qua Nền tảng tích hợp tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP), tuân thủ theo Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số của thành phố.

2.4. Chủ động xây dựng và triển khai đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh, có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, hòa với mục tiêu phát triển của địa phương trên cơ sở đặc điểm riêng của quận 10 (nhu cầu quản lý, nhu cầu người dân, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). Đẩy mạnh triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

2.5. Tổ chức xây dựng đề án với lộ trình phù hợp cho các dự án theo nguyên tắc chính sau:

- Ưu tiên các dự án nền tảng dài hạn có tính tổng thể và phục vụ liên ngành; cho phép xây dựng trên nền tảng đó các dự án phát huy được thế mạnh của địa phương, các dự án có tính cấp bách theo nhu cầu quản lý và nguyện vọng của người dân.

- Cần có các dự án thí điểm có khả năng làm điển hình để nhân rộng; tránh triển khai đồng thời nhiều dự án trong khi chưa kịp rút kinh nghiệm các dự án thí điểm hoặc chưa hoàn thành các dự án nền tảng tổng thể dài hạn.

- Ưu tiên dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin và sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước trong việc xây dựng đô thị thông minh.

2.6. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội (như đối tác công tư...) để xây dựng đô thị thông minh; đảm bảo tính cân đối hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan như chính quyền, người dân và doanh nghiệp...

2.7. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực về đô thị thông minh.

2.8. Tăng cường các hoạt động hợp tác, chia sẻ, học tập kinh nghiệm các địa phương trong nước để tham khảo xu hướng, các bài học thực tiễn. Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố vào xây dựng đô thị thông minh tại Quận 10; Tham khảo các ý kiến tư vấn của các chuyên gia đầu ngành, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề để nghiên cứu giải pháp thực hiện.

2.9. Thành lập Ban Điều hành Đề án Xây dựng Quận 10 trở thành đô thị thông minh”. Ban Điều hành có trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý, phản hồi đầy đủ và kịp thời các báo cáo của chủ đầu tư dự án. Các chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo định kỳ (tháng, quý, năm) gửi về Ban Điều hành Đề án.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN

Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án với những nội dung chính như sau:

1. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Quận 10 trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025

1.1. Nội dung thực hiện

- Đầu tư bổ sung, nâng cấp thiết bị công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện hạ tầng thiết bị phục vụ nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng việc triển khai phần mềm ứng dụng, nâng cao hiệu suất hoạt động trong việc trao đổi thông tin và tăng cường bảo vệ an toàn cho hệ thống máy tính và máy chủ. Bảo đảm hạ tầng cho các phòng ban chuyên môn phục vụ tác nghiệp. Đáp ứng việc triển khai các phần mềm ứng dụng, lưu trữ dữ liệu tập trung.

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ của Ủy ban nhân dân quận, các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân 15 phường. Chuẩn hoá cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho Ủy ban nhân dân 15 phường, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhân dân.

- Xây dựng hệ thống giám sát phòng máy chủ nhằm tăng khả năng bảo mật, tránh thất thoát thông tin thông qua việc triển khai đồng nhất các chính sách bảo mật trên hệ thống công nghệ thông tin. Bảo đảm an ninh cho trụ sở, giám sát từ xa, phục vụ lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

1.2. Hình thức triển khai: Dự án

2. Nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ quan nhà nước

2.1. Nội dung thực hiện

- Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành để thực hiện chuẩn hóa và tin học hóa các quy trình công việc nội bộ, quy trình phối hợp xử lý liên thông giữa các cơ quan nhà nước với nhau và trong giao dịch với công dân, doanh nghiệp.

- Kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công thành phố, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử; các cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố như cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp… theo quy định tại Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh và Kế hoạch số 5534/KH-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước thành phố năm 2020.

- Triển khai nhân rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 kết hợp với dịch vụ nhận và chuyển phát hồ sơ của Bưu điện Thành phố; bảo đảm số thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ tối thiểu là 30% so với tổng số thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu, điều kiện để triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

2.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

3. Xây dựng trung tâm Xử lý hình ảnh, giám sát an ninh trật tự, giao thông công cộng thông minh qua hệ thống camera

3.1. Nội dung thực hiện

- Xây dựng Trung tâm giám sát, xử lý hình ảnh tại trụ sở Công an quận 10 để giám sát tập trung, nâng cao năng lực giám sát an ninh công cộng, giám sát chuyên sâu các mục tiêu trọng điểm, lưu trữ thông tin làm nguồn dữ liệu tham khảo phục vụ công tác điều tra, phòng chống tội phạm.

- Xây dựng phòng giám sát, điều hành phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận 10 tại Trung tâm hành chính quận.

- Lắp đặt các camera quan sát trên các tuyến đường tại các vị trí trọng điểm nhằm giám sát các địa điểm, mục tiêu cần bảo vệ.

- Tích hợp các camera hiện có do Công an 15 phường quản lý vào hệ thống chung.

- Xây dựng giải pháp phần mềm lẫn phần cứng cho phép đếm số lượng đối tượng (người đi bộ, xe máy, xe hơi, …) từ đó làm cơ sở để giải quyết bài toán phát hiện đám đông, phân tích tình hình giao thông.

- Xây dựng ứng dụng phần mềm trực quan thông tin trên nền bản đồ cho phép giám sát, theo dõi dữ liệu camera, bao gồm dữ liệu video thô và dữ liệu camera đã được phân tích theo thời gian và không gian.

- Từng bước chuẩn hóa, tích hợp các hệ thống camera quan sát của Quận 10 tuân thủ theo Quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định kỹ thuật về quản lý, kết nối và sử dụng đối với các hệ thống thiết bị ghi hình (camera quan sát) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định số 5177/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2019 về phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025 và công văn số 3288/UBND-KT ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật khuyến nghị đối với các hệ thống camera quan sát trên địa bàn thành phố.

3.2. Hình thức triển khai: Dự án

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung

4.1. Nội dung thực hiện

- Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch của Quận 10: Thực hiện số hóa tất cả các sổ bộ hộ tịch đang lưu trữ tại kho lưu trữ của Ủy ban nhân dân quận. Các sổ bộ hộ tịch được số hóa: Nhóm sổ đăng ký kết hôn; nhóm sổ đăng ký khai sinh; nhóm sổ đăng ký khai tử; nhóm sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con. Qua đó xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch của Quận 10, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch dùng chung của Thành phố.

- Chuẩn hóa, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của Quận 10 như cơ sở dữ liệu về quản lý văn bản, cơ sở dữ liệu về khiếu nại tố cáo, cơ sở dữ liệu về Dịch vụ công và Một cửa điện tử (hồ sơ điện tử).

- Tích hợp, khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố như cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu người dân và các cơ sở dữ liệu nền địa hình và bản đồ địa chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để cung cấp dịch vụ công liền mạch, nhanh chóng.

4.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

5. Xây dựng hệ thống Hội nghị trực tuyến

5.1. Nội dung thực hiện

- Xây dựng Hệ thống Hội nghị trực tuyến Quận 10 đảm bảo chất lượng tốt và dễ dàng sử dụng đối với các cuộc họp, hội nghị trực tuyến từ cơ quan cấp trên, đến Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân 15 phường.

- Tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm góp phần tích cực thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động các cơ quan nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, góp phần thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị.

- Từng bước áp dụng phòng họp không giấy tại các cơ quan hành chính trên địa bàn quận.

5.2. Hình thức triển khai: Dự án

6. Hoàn thiện hệ thống thông tin tiếp nhận và giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân trên lĩnh vực trật tự đô thị

6.1. Nội dung thực hiện

Hoàn thiện ứng dụng Xử lý vi phạm trật tự đô thị Quận 10 Online để tạo điều kiện cho người dân giám sát, phản ánh và theo dõi quá trình giải quyết các hành vi vi phạm trật tự đô thị; tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với việc bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, trật tự lòng lề đường của các cơ quan chức năng, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự mỹ quan đô thị trên địa bàn Quận 10. Tích hợp ứng dụng tiếp nhận phản ánh và giải đáp thắc mắc của người dân về tất cả các lĩnh vực quản lý tại Quận 10 vào Hệ thống Cổng thông tin 1022 của Thành phố theo hướng dẫn tại Công văn số 1542/STTTT-BCVT ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Sở Thông tin và Truyền thông.

6.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

7. Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Quận 10

7.1. Nội dung thực hiện

- Xây dựng mô hình trung tâm điều hành thông minh Quận 10 giúp cho lãnh đạo Quận 10 có cái nhìn trực quan nhất về Trung tâm điều hành của Quận và Thành phố dự kiến xây dựng.

- Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh hiện đại của Quận 10 vừa đáp ứng được nhu cầu giám sát, điều hành cấp bách hiện nay, vừa có khả năng nâng cấp, mở rộng và tích hợp với Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.

- Sẵn sàng cho việc nâng cấp mở rộng tích hợp mạng lưới IoT sensor triển khai cho thành phố thông minh và nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ của thành phố thông minh trong giai đoạn 2019-2020.

- Tích hợp hệ thống giám sát an ninh trật tự và giao thông công cộng qua hệ thống camera hiện có của Quận 10.

- Tích hợp các hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân, doanh nghiệp và tổ chức hiện có của Quận 10 về Hệ thống Cổng thông tin 1022. Qua đó tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của quận trên tất cả các lĩnh vực, giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo quận điều hành một cách tổng thể.

- Nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chế hoạt động và vận hành của Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Quận 10.

7.2. Hình thức triển khai: Dự án

8. Phát triển Du lịch thông minh

8.1. Nội dung thực hiện

- Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch địa phương như xây dựng Trang thông tin điện tử về du lịch Quận 10 và ứng dụng di động về du lịch Quận 10 để giới thiệu các địa điểm tham quan, giải trí, ẩm thực, lưu trú,… tích hợp giải pháp thanh toán điện tử.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Quận 10 ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ khách du lịch như đặt phòng trực tuyến, đặt tua du lịch trực tuyến...

- Lắp đặt các kiosk điện tử chỉ đường có kết nối với Trang thông tin điện tử du lịch tại các điểm tham quan du lịch để phục vụ du khách.

8.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

9. Triển khai các hệ thống quản lý giáo dục thông minh

9.1. Nội dung thực hiện

- Triển khai ứng dụng quản lý tuyển sinh đầu cấp có kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của thành phố;

- Lắp đặt hệ thống camera giám sát thông minh tại các trường học có kết hợp với công nghệ nhận diện bằng thẻ thông minh để quản lý học sinh;

- Xây dựng kho tài nguyên số và thư viện trường học tích hợp với các hệ thống thông tin chuyên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên và hoạt động tự học của học sinh, tạo nền tảng xã hội học tập.

9.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

10. Triển khai các hệ thống quản lý y tế thông minh

10.1. Nội dung thực hiện

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc quận như bệnh án điện tử, ứng dụng hỗ trợ đặt lịch khám bệnh nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh;

- Triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến cho các trạm y tế để hỗ trợ kết nối với bác sĩ tuyến thành phố để được hỗ trợ chuyên khoa;

- Tích hợp hệ thống thông tin chuyên ngành của Sở Y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Quận 10.

10.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

11. Triển khai hệ thống quản lý đất đai, môi trường thông minh

11.1. Nội dung thực hiện

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu gom rác, quy hoạch các điểm tập kết rác phù hợp, khoa học nhằm tối ưu lịch trình và các tuyến thu gom rác;

- Triển khai các ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng có tích hợp cơ sở dữ liệu bản đồ số dùng chung của thành phố.

11.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

12. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Quận 10

12.1. Nội dung thực hiện

Triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thu học phí… giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thành toán, tiết kiệm thời gian và bảo đảm công khai, an toàn, nhanh chóng, góp phần tăng sự hài lòng của người dân.

12.2. Hình thức triển khai: Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

13. Truyền thông về các dịch vụ đô thị thông minh

13.1. Nội dung thực hiện

Phổ biến, hướng dẫn mọi người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ đô thị thông minh. Tổ chức truyền thông nhằm thu hút người dân, tổ chức tham gia ứng dụng hướng người dân làm trọng tâm.

13.2. Hình thức triển khai: Chương trình công tác, kế hoạch

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về lợi ích trong việc tham gia và sử dụng các dịch vụ của đô thị thông minh. Xây dựng Trang thông tin điện tử chính thức về đô thị thông minh của Quận 10 để thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin và tương tác với người dân. Tạo cơ hội tối đa cả về thời gian và cách thức cho người dân được tham gia góp ý để họ có cái nhìn toàn diện hơn về đô thị thông minh.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giới thiệu giải pháp xây dựng đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách

- Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa dịch vụ đô thị thông minh cung cấp cho người dân và xã hội.

- Tăng cường nghiên cứu và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh từ nhiều nguồn lực khác nhau nhất là từ nguồn ngân sách nhà nước. Nâng cao năng lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp từ nguồn xã hội hóa.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch điện tử, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ, dịch vụ thông minh vào cuộc sống để nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập và làm việc. Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước.

3. Nhóm giải pháp về tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực

- Tập trung xây dựng mô hình hoạt động cho Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh đủ mạnh, hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn bảo mật cao, đủ năng lực vận hành cho toàn Quận 10; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm này.

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập thường xuyên cho cán bộ công chức trong toàn quận về kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin để có thể thực hiện các quy trình tin học hóa về nghiệp vụ và tác nghiệp. Đồng thời, tiến hành đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức tuyển dụng mới về kỹ năng sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin tích hợp của Thành phố thông minh.

- Cử cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin của Quận và Phường tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng, quản lý và giám sát các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin; đào tạo chuyên sâu theo chuyên đề cho các cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt vai trò tham mưu liên quan đến ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến đô thị thông minh

- Tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, nhằm cải tiến quy trình quản lý điều hành, cung cấp được nhiều dịch vụ công cho người dân, tạo ra một chính quyền minh bạch, môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin.

- Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đô thị thông minh trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là trong giáo dục, y tế, giao thông, du lịch…

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quan trắc giám sát môi trường. Đẩy mạnh Xây dựng các trường, lớp học thông minh, sử dụng đào tạo từ xa (e-learning), học liệu điện tử (e-library) để tạo ra môi trường học tập cho mọi người dân.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, hình thành nhiều kênh thông tin, dữ liệu đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, khai thác, liên kết dịch vụ, thanh toán tiện lợi góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông, hình thành hệ thống giao thông thông minh, đồng bộ, theo một tiêu chuẩn chung để phục vụ công tác quản lý nhà nước và khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông.

5. An toàn, an ninh thông tin

- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị, phương tiện kỹ thuật số có tính năng lưu trữ, trao đổi thông tin để phòng ngừa lộ, lọt thông tin qua mạng. Kiểm tra an ninh và an toàn thông tin các thiết bị, phần mềm hệ thống, công cụ, phần mềm ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng.

- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin mạng của cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quận 10. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; tăng cường sử dụng các phần mềm diệt virus và thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống mạng nội bộ, máy tính tại cơ quan đơn vị. Kịp thời ngăn chặn, phòng chống và khắc phục nhanh các cuộc tấn công vào hệ thống.

6. Nhóm giải pháp về tài chính

- Tranh thủ nguồn lực từ ngân sách tập trung của Thành phố để đầu tư các dự án mang tính chất cốt lõi, làm nền tảng cho phát triển đô thị thông minh tại quận.

- Đề xuất nguồn vốn sự nghiệp của Thành phố và bố trí nguồn chi thường xuyên ngân sách Quận để thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến hoạt động chuyển đổi dữ liệu; thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

- Đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa thực hiện Đề án, trong đó ưu tiên phương thức đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng.

- Ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các dự án liên quan đến hạ tầng công nghệ (có chi phí đầu tư cao, công nghệ thay đổi nhanh) và đòi hỏi nhiều nguồn lực vận hành để giảm chi phí đầu tư ban đầu và tránh bị lạc hậu về công nghệ.

V. HIỆU QUẢ DỰ KIẾN MANG LẠI

1. Về quản lý

- Đô thị thông minh với hạ tầng hiện đại trên nền tảng điện toán đám mây, các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực đủ mạnh để quản lý, vận hành… góp phần thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ công dân, doanh nghiệp tốt hơn.

- Công tác điều hành quản lý của đô thị thông minh sẽ nâng cao năng lực quản lý điều hành và một số các mặt sau:

+ Cho phép tiếp nhận và xử lý khối lượng thông tin lớn (thông tin hiện tại, thời gian thực, thông tin quá khứ, thông tin dự báo về các yếu tố đầu vào, nhiều loại thông tin liên quan đến đối tượng) để hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định chính xác và kịp thời.

+ Cho phép dự báo dài hạn hơn, toàn diện hơn, độ chính xác cao hơn (dự báo được tương tác giữa nhiều đầu vào khác nhau liên quan đến hành vi của đối tượng quản lý, dự báo được kết quả sau nhiều vòng tương tác). Từ đó đề ra được các giải pháp sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực con người, hạ tầng, vốn…

2. Về kinh tế

- Với việc xây dựng các hệ thống thông tin thông minh cùng với các giải pháp đồng bộ, doanh nghiệp và người dân được cung cấp môi trường phát triển ngày càng tiện ích, ưu việt; công dân, doanh nghiệp được sử dụng các dịch vụ trên mạng ở các cấp độ khác nhau và được cung cấp thông tin một cách minh bạch, thuận lợi, kịp thời... góp phần giảm thiểu thời gian, công sức trong giao dịch hành chính với chính quyền, từ đó đem lại năng suất lao động, hiệu quả cao trong hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và nhân dân.

- Hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị của địa phương được xây dựng, hiện đại hóa và các ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa, doanh nghiệp… sẽ góp phần giảm thiểu công sức con người, hướng đến phát triển kinh tế và xã hội. Trong hoạt động kinh tế, thương mại, việc xâydựng doanh nghiệp điện tử sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế; đồng thợi, việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh chiến lược quảng bá, tiếp thị và thực hiện các giao dịch mua, bán điện tử an toàn, hiệu quả...

3. Về xã hội

- Việc ứng dụng các công nghệ mới trong xã hội ngày càng sâu rộng với xu hướng phát triển chung của thế giới chính là đáp ứng quy luật cung - cầu. Điều này sẽ giúp hiện đại hóa hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông, cầu cống, lưới điện, cấp thoát nước và trong các ngành, lĩnh vực… góp phần đưa các ngành trở nên hiện đại hơn, bền vững hơn, phục vụ con người hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực đặc biệt là môi trường sẽ góp phần cung cấp dịch vụ, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, năng lượng xanh cho người dân hướng đến xây dựng kiến trúc xanh...

- Người dân và doanh nghiệp được sinh sống và làm việc trong môi trường an toàn, an ninh cao; tiếp cận các dịch vụ, chất lượng theo công nghệ tiên  tiến, hiện đại trong các ngành giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa, xã hội… theo hướng tiện ích, thoải mái mang lại cho người dân một cuộc sống dễ chịu. Với hạ tầng và các ứng dụng thông minh được áp dụng vào mọi mặt của đời sống, các cấp chính quyền có hệ thống cơ sở dữ liệu được phân tích toàn diện trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, giúp đưa ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả cho sự phát triển bền vững của địa phương.

VI. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI

Dựa trên các điều kiện thực tế như đã có chủ trương thực hiện, khả năng cân đối vốn của Thành phố và Quận, độ phức tạp của các nhiệm vụ, tính cấp bách. Lộ trình triển khai đề án được phân thành 3 giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn 1 (2020-2021)

- Xây dựng trung tâm Xử lý hình ảnh, giám sát an ninh trật tự, giao thông công cộng thông minh qua hệ thống camera.

- Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Quận 10.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch.

- Tích hợp, khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin tiếp nhận và giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân trên lĩnh vực trật tự đô thị.

- Nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường kết nối  giữa các cơ quan nhà nước.

- Xây dựng hệ thống Hội nghị trực tuyến.

- Truyền thông về các dịch vụ đô thị thông minh.

2. Giai đoạn 2 (2022-2023)

- Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Quận 10 (tiếp tục).

- Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai thực hiện Đề án Xây dựng Quận 10 trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025.

- Phát triển Du lịch thông minh.

- Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Quận 10.

- Đánh giá sơ kết mô hình thực hiện giai đoạn 2020-2023.

3. Giai đoạn 3 (2024-2025)

- Triển khai các hệ thống quản lý giáo dục thông minh.

- Triển khai các hệ thống quản lý y tế thông minh.

- Triển khai hệ thống quản lý đất đai, môi trường thông minh.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Điều hành Đề án

- Quản lý tình hình triển khai Đề án. Xem xét và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

- Định kỳ hàng năm tổ chức rà soát, cập nhật Đề án để bảo đảm Đề án luôn bám sát theo nhu cầu, điều kiện thực tế của Thành phố; tình hình triển khai các công việc cụ thể của Đề án; các chỉ đạo, định hướng mới của Đảng, Chính phủ; các tiêu chuẩn, kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới. Các nội dung chính cần rà soát, cập nhật định kỳ hàng năm bao gồm: danh mục các dự án, mức độ ưu tiên của các dự án, lộ trình thực hiện dự án, kế hoạch triển khai cụ thể… Đánh giá sơ kết mô hình thực hiện giai đoạn 2020 - 2023, làm rõ giải pháp, cụ thể mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ hướng xây dựng đô thị thông minh đến năm 2025.

- Phối hợp chặt chẽ, tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và các đơn vị có liên quan trong việc triển khai các hệ thống ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên ngành (như y tế, giáo dục, đất đai, xây dựng, đô thị, an ninh, phòng cháy chữa cháy, du lịch,…) để thống nhất mô hình triển khai, bảo đảm tính kế thừa, kết nối, chia sẻ, tích hợp với các hệ thống của Thành phố để có thể triển khai các hệ thống một cách tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư trùng lắp.

2. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng các dự án thành phần, kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên nền tảng khung công nghệ chung của Thành phố.

- Chủ trì xây dựng mô hình hoạt động cho Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh đủ mạnh, hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn bảo mật cao, đủ năng lực vận hành cho toàn quận.
- Định kỳ hàng quý báo cáo tiến độ cho Ban Điều hành Đề án của Quận 10 và Thành phố (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông).

3. Phòng Tư pháp có trách nhiệm

- Phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận 10 tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

- Căn cứ vào số lượng hồ sơ phát sinh thực tế tại đơn vị, lập dự toán kinh phí nhập dữ liệu và số hóa sổ bộ hộ tịch phát sinh khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính về hộ tịch. Tham mưu Ủy ban nhân dân quận đưa vào kinh phí thường xuyên của đơn vị.

4. Công an quận

Phối hợp Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, Công an 15 phường theo dõi, giám sát việc triển khai nâng cấp trung tâm Xử lý hình ảnh, giám sát an ninh trật tự, giao thông công cộng qua hệ thống camera.

5. Phòng Nội vụ quận

- Phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các nội dung của Đề án.

- Cung cấp dữ liệu, thông tin về nội dung chỉnh lý tài liệu lưu trữ cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận 10 để lập thuyết minh hạng mục số hóa tài liệu lưu trữ trình Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

- Tổ chức giám sát việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án này. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân quận 10 đối với việc triển khai các dự án, hạng mục nêu trên, các kiến nghị, và vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

6. Ủy ban nhân dân 15 phường

- Phân công cán bộ, công chức vận hành phần mềm Hệ thống dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

- Phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận thực hiện các nội dung xây dựng Trang thông tin điện tử 15 phường và hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.

- Tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ, công chức sử dụng các ứng dụng di động để cập nhật thông tin từ Ủy ban nhân dân quận; Phản ánh các vi phạm trật tự đô thị thông qua ứng dụng Quận 10 Online.

7. Đội địa bàn Quận 10 - Thanh tra Sở Xây dựng, Đội quản lý trật tự đô thị quận

Quán triệt cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng ứng dụng ứng dụng Quận 10 Online để tiếp nhận thông tin và phối hợp xử lý các vi phạm trật tự đô thị thông qua ứng dụng quận 10 Online.

8. Phòng Tài chính và Kế hoạch quận

Tham mưu cân đối nguồn ngân sách quận phục vụ công tác triển khai các nội dung của Đề án

9. Phòng Văn hóa và Thông tin quận

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ truyền thông về các dịch vụ đô thị thông minh.

10. Các cơ quan chuyên môn khác

Phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận tham mưu nhiệm vụ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 10 và các tổ chức đoàn thể

Tổ chức tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền, đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương liên quan đến công tác triển khai xây dựng Quận 10 trở thành đô thị thông minh, góp ý để bảo đảm lợi ích đến được với mọi tầng lớp, đối tượng nhân dân, kể cả người dân thu nhập thấp, người già, khuyết tật./.