18 Tháng Tư 2024
Chuyển đổi số

Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số

Chuyên mục: Tin tức, sự kiện, Đề án số 06 | Người đăng: Vương Vĩnh Phú | Ngày đăng: 01/03/2023 | Số lần xem: 982

Chiều 28/2, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết năm 2022 về tình hình, kết quả thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn Thành phố.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06; Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an); Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 trong năm 2022 cho thấy, Công an Thành phố, với vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ động phối hợp với các đơn vị tích cực thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06, cụ thể như: Triển khai thực hiện Luật Cư trú năm 2020, Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ... Hiện nay, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đang phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất phương án đối sánh 12,8 triệu dữ liệu hộ tịch đã được số hóa của TPHCM với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an Thành phố đã tổ chức 3 đợt cao điểm thu nhận và cấp 7.042.582 thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử (xếp thứ 5 toàn quốc), đã nỗ lực thực hiện số hóa tàng thư hộ khẩu (đã thực hiện việc nhập vị trí túi hộ 1.559.094/1.748.184 hồ sơ; đạt 89,1%), cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 cho 1.473.301/5.822.070, đạt 25.3%, tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến trung bình đạt 57,1%. Đặc biệt đã triển khai nhiều mô hình Đề án 06 mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, nhà văn hóa, các trụ sở tiếp công dân; mô hình điểm tại các cơ sở khám, chữa bệnh về triển khai các nhóm tiện ích; mô hình điểm triển khai thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận thông báo lưu trú, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 14 tuổi thông qua mã định danh cá nhân, mô hình an sinh xã hội. Công an Thành phố đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ của Đề án 06. Số lượng CCCD đã được đồng bộ với thẻ Bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD: 5.523.989 thẻ; số lượng cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh: 404 cơ sở; số lượng công dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh: 1.588.974 người; số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD khám chữa bệnh tra cứu có thông tin: 1.226.246 người.

Trong năm, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố khai trương và đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, đến nay, đã cung cấp 424 dịch vụ công trực tuyến, số hồ sơ tiếp nhận giải quyết từ ngày 15/1/2023 đến ngày 14/2/2023 là 10.178 hồ sơ, đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng của Thành phố trong việc ứng dụng công nghệ số để cải tiến, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tình hình mới, góp phần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm theo đúng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố đã đề ra.

Tiếp tục thực hiện để người dân, doanh nghiệp được lợi

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu rõ, việc triển khai nhiệm vụ trong Đề án 06 phải được đặt trong tổng thể đề án xây dựng thành phố thông minh và Đề án Chuyển đổi số của Thành phố. Khi đó, sẽ lan tỏa các tác động tích cực của Đề án 06 đến phần còn lại của nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số, ngược lại hai đề án này sẽ giúp cho Đề án 06 phát huy đồng bộ hơn.

“Qua một năm triển khai Đề án 06, kết quả đạt được rất nhiều nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần nhận diện các hạn chế để có giải pháp khắc phục, trong đó, có 2 hạn chế lớn cần tâp trung khắc phục ngay, đó là việc Thành phố triển khai 5 dịch vụ công chậm và đạt tỉ lệ thấp so với cả nước và vấn đề số hóa ở bộ phận một cửa của sở, ngành, quận, huyện chưa đạt yêu cầu” - đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý.
Về phương hướng sắp tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị từng sở, ngành, địa phương rà soát lại để triển khai Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ và 18 nhiệm vụ của Đề án 06 năm 2023; thực hiện nghiêm các quy định về bỏ hộ khẩu; tập trung triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Bên cạnh đó, đồng chí Phan Văn Mãi cũng đề nghị Công an Thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông xác định kỹ ngân sách chung để có đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố dành một phần ngân sách mua sắm các phần mềm dịch vụ để triển khai dự án này. Các sở, ngành, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ của mình để tập trung triển khai Đề án; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, khi nảy sinh vấn đề thì phải có sự phối hợp, phải phản ánh ngay với Trưởng Ban Chỉ đạo để có điều tiết, trong việc phối hợp giữa thành phố, các bộ, ngành trường hợp có vướng thì phải báo ngay cho Trưởng ban để làm việc.

Đồng chí Lê Minh Hiếu, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đánh giá cao những kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều này thể hiện vai trò rất lớn của Ban Chỉ đạo Đề án 06; xuất hiện nhiều mô hình hay tại cơ sở; chủ động rà soát các văn  bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân Thành phố đã khai trương và đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, đến nay, đã cung cấp 424 dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Dịp này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 35 tập thể và 69 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2022.

Thanhuytphcm.vn

In Đánh dấu và chia sẻ

Bản tin chuyển đổi số

Liên kết